Lượt xem: 327

Sóc Trăng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi tôm nước lợ

Hiện nay, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị là rất lớn, sự thiếu hụt lao động ở nông thôn vì thế ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Tại Sóc Trăng, để giải quyết tốt bài toán về nhu cầu lao động, việc ứng dụng cơ giới hóa ngày càng được tăng cường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với nghề nuôi tôm nước lợ. Việc ứng dụng cơ giới hóa ở từng khâu sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

 


Sàn cho ăn tự động giúp người nuôi cân đối được liều lượng thức ăn cho tôm ăn.

 

    Với diện tích khu nuôi 4,4 ha, anh Trương Rô Sa ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú là một trong những hộ nuôi của huyện Mỹ Xuyên tiên phong ứng dụng mô hình nuôi tôm trong nhà mái. Bên cạnh tiếp cận mô hình nuôi hiện đại, anh còn đầu tư thêm sàn cho ăn tự động tại mỗi ao nuôi. Nhờ vậy thức ăn được rải đều, hạn chế thất thoát. Thực hiện tốt phương châm “nuôi nước trước khi nuôi tôm”, anh Rô Sa còn thiết kế thêm hệ thống xử lý nước tự động 24/24 giúp kiểm soát tốt khí độc và chất lợn cợn, đảm bảo chất lượng nước cấp cho từng ao. Nuôi tôm trong nhà mái kết hợp ứng dụng cơ giới hóa trong cho ăn, xử lý nước đã giúp tôm nuôi hạn chế được ảnh hưởng do tác động từ yếu tố môi trường, nhiệt độ. Tôm phát triển trong điều kiện đảm bảo nên đạt được kích cỡ lớn khi thu hoạch. Hai vụ nuôi liên tiếp, anh Rô Sa thu về kích cỡ tôm là 15 con/kg. Anh Sa cho biết thêm: “Việc cho tôm ăn hiện nay dễ dàng hơn rất nhiều vì mình có thể điều khiển bằng công tắc hay phần mềm được cài sẵn trên điện thoại. Khi cho ăn bằng cách thức này mình sẽ kiểm soát, điều chỉnh được lượng thức ăn để tránh hao hụt, tiết giảm được phần nào chi phí trong sản xuất...”.

    Đối với nghề nuôi tôm nước lợ, việc quản lý, kiểm soát các yếu tố môi trường như: Độ pH, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan... là vô cùng quan trọng nhằm góp phần hạn chế rủi ro dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, cùng với việc  sử dụng hệ thống xi phông để loại bỏ bùn đáy ao, phân tôm, thức ăn dư thừa, giúp môi trường ao nuôi sạch và ổn định thì hiện nay, nhiều hộ nuôi còn thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị giám sát chất lượng môi trường nước, hệ thống quan trắc môi trường tự động... Nhờ vậy tôm được chăm sóc, quản lý tốt trong suốt quá trình phát triển theo phương châm phòng bệnh hơn trị bệnh. Anh Nguyễn Văn Mắn, hộ nuôi tôm ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Nhờ các thiết bị công nghệ cao mình quản lý được chặt chẽ hơn. Ví dụ như lúc trước mình muốn kiểm tra môi trường mà không có thiết bị đo thì chỉ biết quan sát bằng mắt thường nên độ chính xác không cao, tôm dễ bị bệnh. Giờ có các thiết bị này giúp mình nhận biết chính xác hơn, có thể điều trị sớm khi phát hiện tôm nhiễm bệnh. Hiệu quả sản xuất mang lại cao hơn”.

    Có thể thấy, cùng với việc thay đổi mô hình nuôi để cải thiện năng suất, cơ giới hóa đã được người nuôi tôm tại Sóc Trăng áp dụng rộng rãi thông qua việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại trong suốt quá trình sản xuất. Việc ứng dụng cơ giới hóa đã giúp nông dân giảm chi phí thuê mướn nhân công, tăng hiệu quả sản xuất so với khi sử dụng sức người. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Nguồn lực lao động sản xuất tuy đông, nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp chưa đáp ứng với yêu cầu ngày một phát triển của khoa học công nghệ và ứng dụng, sử dụng các thiết bị cơ giới trong sản xuất; chi phí đầu tư ứng dụng tất cả các thiết bị từ khâu cải tạo, quản lý, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản là rất lớn, do đó đa số cơ sở nuôi tôm ứng dụng chưa đầy đủ hết các thiết bị, máy móc trong tất cả các khâu. Trước thực tế này, ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ cơ sở nuôi tiếp cận đầy đủ và hiệu quả các trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong phát triển nghề nuôi. Thạc sĩ Phan Bạch Vân - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai những giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ cơ giới hóa. Thứ nhất là xây dựng kế hoạch cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động nông nghiệp nói chung; tăng cường đào tạo các kiến thức liên quan cơ giới hóa cho lực lượng lao động trong lĩnh vực nuôi tôm; tiếp tục nghiên cứu các chính sách để giúp doanh nghiệp có thể đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn liên quan cơ giới hóa, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, cử cán bộ và đơn vị chuyên môn thường xuyên nghiên cứu cũng như tham dự những hội thảo quốc tế để có thể tiếp cận được với những công nghệ hiện đại. Từ đó giới thiệu, chia sẻ đến bà con nông dân nhằm áp dụng để việc nuôi tôm ngày càng phát triển”.

    Với diện tích nuôi tôm mỗi năm là 51.000 ha, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng cần nguồn lao động rất lớn từ việc cải tạo, chuẩn bị ao nuôi đến chăm sóc, thu hoạch. Do đó, mức độ cơ giới hóa  trong sản xuất ngày càng tăng là một sự tiến bộ, phát triển đúng hướng trong công cuộc ứng dụng công nghệ và phát triển thủy sản bền vững. Cùng với những nỗ lực của chính người nuôi trong việc chủ động chuyển đổi mô hình, sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chuyên môn trong việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu sẽ là điều kiện quan trọng để ngành tôm Sóc Trăng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 7967
  • Trong tuần: 78,674
  • Tất cả: 11,801,994